Bộ tiền Việt Nam Cộng Hòa 1966 - Bộ tướng VNCH

09:32 06/04/2021
Bộ tiền Việt Nam Cộng Hòa 1966 - Bộ tướng VNCH

 

Khi nhắc tới tiền Việt Nam trước năm 1975 thì người ta thường nghĩ ngay tới tiền Việt Nam Cộng Hòa ở miền nam. Nổi bật nhất là những bộ thú 1972, bộ hoa văn 1969 rất dễ sở hữu do giá vừa phải. Riêng với bộ tiền Việt Nam Cộng Hòa 1966 thì giá trị chênh lệch đã rất cao.

 

Tiền Việt Nam Cộng Hòa bộ tướng 1966

Bộ tiền xưa VNCH 1966 bao gồm 4 mệnh giá là 50 đồng hoa văn, 100 đồng Lê Văn Duyệt, 200 đồng Nguyễn Huệ, 500 đồng Trần Hưng Đạo. Trong đó tờ 50 đồng hoa văn không đồng bộ với 3 tờ còn lại nên thông thường người ta vẫn nghĩ bộ tiền VNCH 1966 chỉ có 3 tờ. Điểm chung của bộ tiền này đều có 2 chữ kí của Tổng Kiểm Soát Nguyễn Văn Dõng và Giám Đốc Sở Phát Hành Lưu Vĩnh Lương, phát hành bởi Ngân Hàng Quốc Gia Việt Nam tại Sài Gòn. Vẫn duy trì dòng cảnh báo không được làm giả với dòng chữ nhỏ “Hình luật phạt khổ sai những kẻ nào giả mạo giấy bạc do Ngân-Hàng Quốc-Gia Việt-Nam phát ra”. Dưới đây là thông tin các mệnh giá tiền VNCH năm 1966

 

bộ tiền tướng vnch 1966

 

50 đồng hoa văn 1966

50 đồng hoa văn dây leo tím được in bởi công ty Bradbury Wilkinson - đây là công ty trực thuộc sở hữu của công ty American Bank Note Company (ABNC) của Mỹ. Chất liệu bằng giấy sợi cotton, màu tím chủ đạo, không có bóng chìm.

 

Mặt trước là vẽ hình dây leo leo lên cái khung, riêng khung viền là kiểu trang trí guilloche ở 2 mặt.

Mặt sau là mệnh giá 50 ở giữa, có thêm 4 bông leo đối xứng tạo nên họa tiết mượt mà.

 

tờ tiền 50 đồng hoa văn dây leo 1966

 

100 đồng VNCH 1966

100 đồng Việt Nam Cộng Hòa 1966 có màu đỏ tươi mới, nó được in bởi cty Thomas De Larue bên Anh. Tiền có 2 loại bóng chìm, đầu tướng và đầu rồng. Về giá trị thì đầu rồng ít hơn so với đầu tướng.

 

Mặt trước là hình Tổng trấn Gia Định thành Lê Văn Duyệt, người cai quản nguyên miền Nam ngày trước, quyền lực ngang tầm với vua Gia Long. Ông cũng là võ tướng tài giỏi giúp Nguyễn Ánh phục quốc.

Mặt sau là Lăng của ông tại chợ Bà Chiểu - một di tích lịch sử của người Sài Gòn từ xưa đến nay, quanh năm luôn nhang khói. 

 

tờ tiền 100 đồng lê văn duyệt 1966

bóng chìm 100 đồng vnch 1966

 

Lê Văn Duyệt (1763-1832) là nhà quân sự lớn cũng là nhà chính trị đa tài nhứt miền Nam. Ông đi theo Nguyễn Ánh từ thời niên thiếu trải qua nhiều binh biến, truy lùng của quân Tây Sơn, ông thu được nhiều kinh nghiệm trên chiến trường và trở thành một trong các chỉ huy chính của quân đội chúa Nguyễn.  

 

Tài năng quân sự của ông được khẳng định khi ông cầm quân đánh thắng nhiều trận đánh lớn, nhanh chóng thăng tiến đến chức chỉ huy Tả Quân. Khi nhà Nguyễn được thành lập, Nguyễn Ánh lên ngôi trở thành vua Gia Long thì ông cũng được thăng chức tước trở thành quan lớn trong triều đình, nắm giữ quân đội cao nhất tại miền Nam. Ông được vua bổ nhiệm 2 lần vào chức Tổng trấn Gia Định thành 1812 - 1815 và 1820 - 1832 - chức vụ toàn quyền gần như một vị vua tự trị, phụ trách vua cai quản miền nam, trấn giữ biên cương đề phòng quân Xiêm.

 

Miền Nam dưới thời Tổng trấn Lê Văn Duyệt là một xã hội cởi mở, tệ nạn được xóa bỏ, tôn giáo tự do, giao thương quốc tế phát triển, kết giao nhiều nước, nhiều người dân tụ về Sài Gòn khai thương lập ấp, giữ tôn ti trật tự. Người Xiêm và Chân Lạp rất sợ đến uy danh của ông Tổng trấn, đến vua Minh Mạng cũng phải dè chừng. Lăng Ông hiện đang ở đường Lê Văn Duyệt, Quận Bình Thạnh sát bên chợ Bà Chiểu nên người dân gọi quen là Lăng Ông Bà Chiểu.

 

200 đồng VNCH 1966

Trong bộ tiền Việt Nam Cộng Hòa 1966 thì tờ 200 đồng có giá trị nhất. Tờ 200 đồng Nguyễn Huệ phát hành với số lượng ít hơn 3 mệnh giá còn lại, tiền có 2 loại bóng chìm đầu tướng và đầu rồng và đầu rồng ít hơn đầu tướng. Tiền được in bởi công ty Thomas De Larue.

 

Mặt trước là hình tướng Nguyễn Huệ, lúc này chưa lên ngôi hoàng đế Quang Trung, tài năng quân sự bậc nhất trong triều Tây Sơn.

Mặt sau là quân lính tiến ra Bắc đánh trận Ngọc Hồi - Đống Đa với quân Thanh, dẫn đến chiến thắng Kỷ Dậu 1789.

 

tờ tiền 200 đồng nguyễn huệ 1966

bóng chìm 200 đồng vnch 1966

 

Nguyễn Huệ (1753 - 1792) tên thật là Hồ Thơm, từ nhỏ đi theo anh em Nguyễn Nhạc và Nguyễn Lữ xuất binh khởi nghĩa năm 1771 tại quê hương Tây Sơn - Bình Định. Nghĩa quân tập hợp dân nghèo, thổ phỉ, người Thượng, người Hoa và cướp biển hành quân chiến thắng quân chúa Nguyễn nhiều điểm. Từ từ nghĩa quân lan rộng ra một vùng rộng lớn tạo thế lực uy hiếp chúa Nguyễn, giết được hai chúa Nguyễn Phúc Dương và Nguyễn Phúc Thuần. Nguyễn Huệ chỉ huy trực chiến tấn công ra Bắc tiêu diệt tập đoàn họ Trịnh, phò tá vua Lê, đánh hiệp quân Xiêm - Nguyễn, truy đuổi Nguyễn Ánh tới cùng. 

Nguyễn Huệ lên ngôi hoàng đế ở Phú Xuân, hiệu là Quang Trung, trở thành vị vua thứ 2 triều Tây Sơn sau khi Nguyễn Nhạc nhường ngôi. Ông đã lập tức tiến quân ra Thăng Long đại phá quân Thanh khi sắp đến Tết Kỷ Dậu 1789, ông đã đánh dấu chiến thắng quân sự lớn nhất trong đời của mình với trận Ngọc Hồi - Đống Đa chỉ vài ngày khi chạm trán với quân Thanh. Sáng mùng 5 Tết 1789, người dân Thăng Long ăn mừng chiến thắng.

Vua Quang Trung băng hà không rõ nguyên do năm 1792.

 

500 đồng VNCH 1966

Mệnh giá 500 đồng trong bộ tiền Việt Nam Cộng Hòa 1966 xuất hiện nhiều nhất, vẫn còn được lưu hành cho đến năm 1975 sau này dù đã có bộ tiền hoa văn 1969 và bộ thú 1972 thay thế. Tờ 500 đồng Trần Hưng Đạo có màu xanh, được in bởi công ty Thomas De Larue, chỉ có một loại bóng chìm đầu tướng. Tờ tiền này phổ dụng, rất nhiều.

Mặt trước là hình tướng Trần Hưng Đạo, người chỉ huy 3 lần chiến thắng chống quân xâm lược Mông - Nguyên.

Mặt sau là quang cảnh trận Bạch Đằng trong lần thứ 3 chống quân Nguyên.

 

tờ tiền 500 đồng trần hưng đạo 1966

bóng chìm 500 đồng trần hưng đạo

 

Trần Hưng Đạo (1228-1300) tên thật là Trần Quốc Tuấn thuộc tôn thất hoàng gia nhà Trần, là nhà chính trị quân sự lỗi lạc. Ông là cháu của vua, gọi vua là chú. Vua Trần Thái Tông có anh là Trần Liễu, Trần Liễu sinh ra Trần Quốc Tuấn. Thái sư Trần thủ Độ ép gả mẹ ông cho vua Trần Thái Tông vì vua không có con nối dõi, cha ông là Trần Liễu đã nuôi lòng hậm hực họp quân nhiều lần nhưng bị Trần Thủ Độ khống chế. Trước khi mất, Trần Liễu trăn trối với ông phải cướp ngôi nhà Trần, ông nhận lời.

Trần Quốc Tuấn được đặc ân trở thành võ quan nhà Trần, trở thành tiết chế thống lĩnh thủy bộ vùng biên cương. Ông thu phục nhiều tướng giỏi như Dã Tượng, Yết Kiêu, Nguyễn Chế Nghĩa… về dưới trướng của mình. Ông nhận lệnh vua đối đầu với quân Mông Cổ xâm lược năm 1285. Ông cùng với Trần Nhật Duật, Trần Quang Khải giành chiến thắng ở Chương Dương, Hàm Tử, Vạn Kiếp,.. chém chết tướng giặc Toa Đô.

Khi quân Mông - Nguyên tiến đánh Đại Việt lần thứ 3 vào năm 1288 cũng là lúc làm vang danh tên tuổi của ông. Thủy quân Nguyên không nắm rõ thủy triều nên đã sa vào bẫy cọc mai phục trên sông Bạch Đằng, thủy quân nhà Trần tiêu diệt gần hết toàn bộ và bắt sống tướng giặc Ô Mã Nhi.

Do thành tích to lớn trong ba cuộc chống giặc ngoại xâm nên vua trao cho ông vị trí cao nhất trong quân đội, đặc cách cho ông quyền hạn được phong tước cho bất kì ai nhưng ông chưa dùng đặc quyền này bao giờ. Vua phong cho ông là Hưng Đạo đại vương, người dân hay gọi là ông Trần Hưng Đạo nhưng ông đã lui về ở ẩn tại Vạn Kiếp và mất tại đó vào năm 1300. Dù có hiềm khích với vua Trần, nhưng ông đã đặt vận nước lên trên hết, gạt bỏ lời hứa cướp ngôi với cha khi xưa. Người dân thường gọi ông là Đức Thánh Trần. Trần Hưng Đạo được chọn làm thánh tổ hải quân của quân lực VNCH.

 

Bộ tiền Việt Nam Cộng Hòa 1966 có ý nghĩa lớn là liên kết tinh thần đoàn kết dân tộc, ba vị tướng đại diện cho ba miền: Lê Văn Duyệt miền Nam - Nguyễn Huệ miền Trung - Trần Hưng Đạo miền Bắc. Đây là những vị tướng tài giỏi, một chỉ huy tinh thần trung nghĩa cởi mở thương dân của Lê Văn Duyệt, một chỉ huy tài năng đánh không thua trận nào Nguyễn Huệ, và một chỉ huy sẵn sàng đối đầu với quân Mông Cổ mạnh nhất thế giới Trần Hưng Đạo.

 

Rất tiếc hiện nay đây chỉ là bộ tiền duy nhất được in hình các tướng lãnh Việt Nam, vẫn còn đó rất nhiều danh nhân chưa được in lên tiền. Hy vọng trong tương lai các tiền nhân sẽ được in lên trên tiền giấy để cho giới trẻ không quên công ơn của những người đi trước.

>> Giá từng tờ chi tiết tại đây

Trên đây là thông tin chi tiết của bộ tiền VNCH 1966, tuy nhiên giá trị của nó trên quốc tế không hề thấp. Hãy suy nghĩ kĩ trước khi sở hữu nhưng nó cũng rất đáng để có trong bộ sưu tập của bạn.

  • Liên hệ trực tiếp qua sdt hoặc qua zalo 0933.645.494
  • Địa chỉ: Hẻm 2683, số 2675/19 Phạm Thế Hiển, P7, Q8, TPHCM (vui lòng gọi trước khi đến)

Truy cập vào fanpage của shop nhắn tin ngay dưới đây https://www.facebook.com/shopdmoney/ 

 

bán tiền xưa mua tiền xưa sưu tầm tiền cổ tiền giấy tiền sưu tầm tiền Việt Nam tiền việt nam cộng hòa tiền xưa tiền xưa việt nam